Chào mừng bạn ghé thăm website tuvandichvucongtam.com
Hotline: 0902.504.239 - 0919.989.817
MENU

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ KẾ TOÁN

01-01-1970
Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Kế toán 2015 thì kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Dịch vụ kế toán là một ngành dịch vụ có nhu cầu rất lớn trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tìm kiếm và sử dụng dịch vụ kế toán sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí và đơn giản bộ máy tổ chức. Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ kế toán là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, theo khoản 11 Điều 13 Luật Kế toán 2015 thì hành vi kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề kinh doanh dịch vụ kế toán khi không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định là những hành vi bị nghiêm cấm.
Để thuận tiện cho Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thông tin thành lập doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kế toán, chúng tôi xin tổng hợp và gửi đến Quý Khách hàng một số quy định liên quan như sau:

Bước 1: Thành lập doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thì chỉ được thành lập doanh nghiệp theo các hình thức sau:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
  • Công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân.

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:

  • Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc danh sách thành viên hợp danh;
  • Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên là tổ chức; bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức đó;
  • Giấy ủy quyền cho Công ty Luật Việt An;
  • Một số giấy tờ khác (trong trường hợp cần thiết).

Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hạn: 03 – 06 ngày làm việc.

Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp

Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các thông tin được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu

Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho Công ty Luật Việt An hoặc tự mình khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Bước 4: Xin Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên và công ty hợp danh:

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương;
  • Có ít nhất hai thành viên hợp danh/thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề;
  • Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc phải là kế toán viên hành nghề;
  • Riêng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì tỷ lệ vốn góp được quy định như sau:
    • Đối với thành viên là tổ chức: góp tối đa 35% vốn điều lệ. Nếu có nhiều thành viên là tổ chức thì vốn góp tối đa của các thành viên là tổ chức là 35% vốn điều lệ;
    • Ít nhất 02 thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề tại công ty là chiếm trên 50%.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp tư nhân:

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương;
  • Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân là kế toán viên hành nghề, đồng thời là giám đốc.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của kế toán viên hành nghề;
  • Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với kế toán viên hành nghề;
  • Tài liệu chứng minh về vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên;
  • Điều lệ của công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên;

Nơi nộp hồ sơ: Bộ Tài chính.

Thời hạn: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ quyết định cấp hoặc không cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Nếu từ chối cấp, Bộ sẽ trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.