Chào mừng bạn ghé thăm website tuvandichvucongtam.com
Hotline: 0902.504.239 - 0919.989.817
MENU

HIỆU QUẢ THUẾ, HẢI QUAN ĐIỆN TỬ THẤP VÌ CÁC NGÀNH KHÁC CÒN BẢO THỦ

10-08-2017
Theo Bộ Tài chính, trong khi hầu hết doanh nghiệp đã tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế và hải quan thì các cơ quan quản lý lại vẫn yêu cầu cung cấp hồ sơ bằng giấy khiến hiệu quả của cải cách hành chính giảm sút. Bộ này đề nghị phải có quy định kiểm soát việc kiểm tra chứng từ điện tử bằng phương thức điện tử của các ngành khác.

Ngành thuế là một trong những ngành đã có tỷ lệ điện tử hóa khá cao. Trong ảnh: người nước ngoài làm thủ tục tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Minh Tâm

Đây là những điểm đáng chú ý trong các báo cáo, tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ liên quan đến việc xây dựng một nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Việc này đang được Bộ Tài chính đăng tải công khai trên website để lấy ý kiến các bên.

Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính trình bày nêu, đến thời điểm hiện tại, trong khi trên 97% doanh nghiệp đã tham gia sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan thì các cơ quan quản lý liên quan khác lại vẫn yêu cầu cung cấp các hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy.

Doanh nghiệp vì vậy phải thường xuyên chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy. Điều này gây tốn chí phí cho doanh nghiệp và cũng giảm tác dụng của việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Theo khảo sát của Bộ Tài chính, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra chứng từ tài chính như Quản lý thị trường – Bộ Công Thương; Cục Quản lý đăng kiểm – Bộ Giao thông Vận tải; Cảnh sát giao thông – Bộ Công an; Bộ đội biên phòng – Bộ Quốc phòng. Các cơ quan này có tác động gián tiếp tới giao dịch điện tử, nhằm đảm bảo tính hoàn chỉnh của giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Tuy nhiên hiện tại, việc kiểm tra thông tin về tài chính của các cơ quan này vẫn đang thực hiện theo phương thức thủ công, giấy tờ truyền thống.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng một nghị định thay thế Nghị định 27 nhằm khắc phục tình trạng trên. Nguồn lực dự kiến để thực hiện và cải thiện giao dịch điện tử nằm trong phạm vi các chương trình, dự án về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử và triển khai các quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành. Nguồn lực tài chính vì thế cũng đã có sẵn.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc khó nhất khi triển khai là quy định về việc kiểm tra chứng từ điện tử bằng phương thức điện tử. Việc quan trọng là phải làm sao để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hóa đơn, chứng từ tài chính (như đã nói ở trên) phải thay đổi phương thức làm việc, thay vì yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng từ giấy thì phải thực hiện kiểm tra chứng từ điện tử bằng phương thức điện tử. Đây là việc buộc phải làm nếu muốn những cải cách hành chính thực sự mang lại hiệu quả, đảm bảo mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chứng từ tài chính gồm Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc triển khai công tác kiểm tra chứng từ điện tử bằng phương thức điện tử.

Nguồn báo mới